Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình có nhà diện tích rộng, ở những khu vực thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán... đã cho thuê nhà mình rồi đi thuê nhà ít tiền hơn để ở.
Khu vực Tây Hồ, Quảng Bá, Nghi Tàm, khu vực Xóm Chùa (Quảng Bá) từ lâu được gọi là "phố Tây" bởi chỉ khoảng 600 m dọc các ngõ có tới gần 40 biệt thự cho thuê. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều nhường nhà cho Tây, họ thuê một căn nhà khác với giá “Việt Nam” hơn tại những vị trí khuất, trong ngõ, hẻm nhỏ.
(hình minh họa)
Chị Mai Lan, một chủ căn biệt thự tại đường Nghi Tàm cho biết: "Căn biệt thự 3 tầng này tôi mở dịch vụ cho thuê đã ngót ngét 10 năm nay, khách thuê chủ yếu là khách tây đến Việt Nam làm việc. Hết hợp đồng thuê, gia đình tôi lại sửa sang, tút tát lại nội thất và sơn rồi cho thuê tiếp. Hiện nay, tôi cho một gia đình ông kỹ sư người Pháp thuê với giá 2.200 USD/tháng. Còn gia đình tôi thuê căn nhà 4 tầng với diện tích 40m/sàn trong ngõ nhỏ khu vực Cầu Giấy với giá 9 triệu đồng/tháng. Như vậy, tôi vẫn có nhà rộng, sinh hoạt thoải mái mà vẫn được lợi hơn 30 triệu/tháng từ căn nhà cho thuê".
Anh Minh Huân, nhân viên một sàn BĐS trên địa bàn Hà Nội cho biết, hầu hết những gia đình cho Tây thuê nhà ở đều có đời sống khá giả, có thể cho con đi du học, mua ôtô hay đi du lịch nước ngoài. Nguồn lợi lớn từ việc cho người nước ngoài thuê nhà đã khiến nhiều người đi ở trọ, nhường lại nhà cao cửa rộng cho Tây thuê.
"Khu vực hồ Tây có địa thế đẹp nên giá thuê biệt thự cho thuê thường ổn định ở mức 2.000 USD đến 3.500 USD/tháng. Còn khu vực Mỹ Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, giá thuê một căn nhà diện tích và điều kiện tương đương chỉ từ 1.300 USD đến 2.000 USD một tháng", anh Huân cho biết thêm.
Ngoài khách thuê là người nước ngoài, đối tượng người cho thuê nhà phố hướng đến là những người kinh doanh buôn bán hoặc những công ty nhỏ muốn thuê nhà mặt phố để làm nơi giao dịch.
Chị Hà, chủ một căn nhà nằm trong ngõ 102 Trường Chinh cũng đang cho một công ty buôn bán đồ điện máy online thuê. Chị Hà cho biết: Nhà chị rộng rãi 5 tầng, lại nằm ngay ở mặt đường lớn ô tô đi vào được, rất thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Trước đây, rất nhiều người đến hỏi thuê tầng 1 nhà chị để kinh doanh nhưng chị không đồng ý do ngại ở chung với người lạ. Thế nhưng, tại thời điểm này, sau nhiều ngày đắn đo, vì không sử dụng hết diện tích, phần đang cần tiền để trang trải học phí cho cậu con trai đang học tại trường quốc tế nên chị quyết định cho thuê lại còn gia đình chị dọn về thuê một căn nhà 2 tầng trong ngõ với giá 3 triệu đồng/tháng.
(hình minh họa)
Cũng giống như gia đình chị Hà, gia đình bác Hoan cũng cho thuê lại căn nhà 6 tầng khang trang 8 phòng ngủ tại phố Tân Mai để đi ở trọ tại một căn hộ tập thể tại khu Giáp Bát. Bác Hoan cho biết: "Nhà tôi trước đây, có gia đình tôi và gia đình hai cậu con trai cùng ở nên xây rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Nhưng nay, ông cụ nhà tôi mất, gia đình cậu con trai cả lại vào TPHCM kinh doanh nên tôi cho khách thuê lại sửa sang làm nhà nghỉ. Giá thuê nhà hiện tại của tôi chỉ bằng con số lẻ tôi thu về từ việc cho thuê nhà, mỗi tháng tính ra vẫn lời gần 20 triệu".
Nhiều gia đình hiện nay coi việc dịch vụ cho thuê nhà là nguồn thu nhập chính khi kinh tế ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, việc cho thuê nhà không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đặc biệt trong tình cảnh như hiện nay. Kinh tế khó khăn, kinh doanh ế ẩm đã khiến nhiều người kinh doanh trả mặt bằng thuê. Hàng loạt nhà mặt phố, nhà trong ngõ treo biển cho thuê làm văn phòng, mặt bằng kinh doanh rơi vao tình trạng ế ẩm lâu ngày.
Các căn hộ, biệt thự cho thuê mọc lên ngày càng nhiều, trái lại, khách Tây có nhu cầu ngày càng thưa thớt. Những tấm biển cho thuê được treo ngay tại căn nhà cùng số điện thoại liên lạc hàng tháng trời không có ai gọi hỏi thăm
Nguyên nhân khiến khách tây có nhu cầu ngày càng ít bởi vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng giảm dẫn đến khách nước ngoài tới Việt Nam cũng bớt đi. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, , tính từ 1/1 đến 20/2/2013, có 99 dự án cấp mới và 31 lượt dự án xin tăng vốn với tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 630,3 triệu USD, giảm gần 62% so cùng kỳ 2012. Trong đó, vốn cấp mới giảm gần 54%; vốn tăng thêm giảm hơn 80%, tổng vốn đăng ký, tiếp tục giảm tới gần 62% so 2 tháng đầu 2012.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét